Hổ Trợ Trực Tuyến
Hotline
  • Phone 02923.69 68 68
  • Hotline 0939 659 222
  • Email atc.aqua@gmail.com
Thông Tin Hoạt Động
ĐBSCL: Vượt khó khăn ngành thủy sản nhiều địa phương về đích
Cập nhật ngày 21/11/2022
Năm nay, dù tình hình nuôi thủy sản, nhất là tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng nhiều địa phương tại ĐBSCL đã hoàn thành kế hoạch năm.
Nhiều địa phương sớm hoàn thành kế hoạch năm của ngành thuỷ sản. Ảnh: Minh Đảm.
Nhiều địa phương ĐBSCL sớm hoàn thành kế hoạch năm của ngành thủy sản. Ảnh: Minh Đảm.
Sớm hoàn thành kế hoạch
Năm nay, ngành thủy sản tại ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư, con giống tăng cao. Tuy nhiên, vượt qua những bất lợi đó, nhiều địa phương đã có những điểm sáng, hoàn thành kế hoạch mục tiêu đặt ra.
Tại Trà Vinh, theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đến nay đã thu hoạch gần 200.000 tấn thủy hải sản, trong đó sản lượng nuôi trên 152.000 tấn, sản lượng khai thác trên 47.800 tấn; đạt 85% kế hoạch, tăng trên 1.000 tấn so cùng kỳ. Báo cáo của các địa phương gửi về Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho thấy, đến nay diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch năm đã đạt chỉ tiêu đề ra.
Trong nuôi trồng, tại vùng nước mặn, lợ, đến nay nông dân đã thả nuôi trên 1,5 tỷ con tôm sú giống với diện tích 23.100ha, trên 5,7 tỷ con tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 7.900ha, trong đó thâm canh mật độ cao trên 2,2 tỷ con với diện tích trên 1.100ha và trên 130 triệu con giống cua biển với diện tích gần 23.300ha. Còn tại vùng nước ngọt, nông dân đã thả nuôi trên 360 triệu con tôm, cá các loại với diện tích trên 4.300ha.
Tại Tiền Giang, diện tích thủy sản thả nuôi trong 10 tháng được trên 15.600ha, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt trên 276.800 tấn, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương trong tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch năm. Tiêu biểu như tại huyện Tân Phú Đông, theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT, đến thời điểm này, diện tích thả nuôi và sản lượng thủy sản đã đạt kế hoạch năm. Ước cả năm 2022 diện tích thủy sản xuống giống toàn huyện là trên 7.500ha (đạt 105%). Trong đó, nuôi nước lợ, mặn gần 7.300ha (đạt 105%), nuôi nước ngọt trên 250ha (đạt 100%) tương đương so cùng kỳ. Tổng sản lượng trên 33.000 tấn (đạt 106%), trong đó sản lượng nuôi gần 31.000 tấn (đạt 106%).
 
Empty
Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thủy sản Tuấn Hiền tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết, tôm thẻ chân trắng đang có giá tốt. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thủy sản Tuấn Hiền tại cù lao Tân Phú Đông có 5 trang trại nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, cho hay vừa bán được 1 lứa tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg cho các đầu mối tại chợ Bình Điền (TP.HCM) với giá 190.000 đồng/kg, còn các thương lái tại Hà Nội thu mua giá 220.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi đầu tư công nghệ cao lãi khoảng 50%.
Tại Bến Tre, theo Cục Thống kê, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định và có bước phát triển. Với tôm sú, diện tích thả nuôi từ đầu năm đến nay đạt trên 25.000ha, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 2.000 tấn, tăng trên 9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do môi trường nuôi thuận lợi nên người nuôi mạnh dạn thả giống.
Đối với con tôm thẻ chân trắng, diện tích thả nuôi đạt gần13.400ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 84.600 tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Nhìn chung tình hình nuôi trồng thủy sản khá thuận lợi, thời tiết, độ mặn ổn định, bệnh không phát sinh nhiều trên các ao nuôi, năng suất cao hơn cùng kỳ, giá bán của một số mặt hàng thủy sản ổn định ở mức cao, người nuôi phấn khởi.
Nuôi tôm công nghệ cao đang phát triển mạnh tại  Bến Tre. Tính đến nay, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vào khoảng 2.500ha, đạt 100% kế hoạch năm 2022, sản lượng đạt 42.000 tấn, năng suất bình quân 40 - 60 tấn/ha, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tuy vốn đầu tư khá lớn và phải nắm vững kỹ thuật nhưng tỉ lệ tôm nuôi đạt hiệu quả khá cao, giúp hơn 80% ao nuôi có lãi.
Ông Nguyễn Thành Phong ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận. Tuy nhiên quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt. Hiện nay, ông Nguyễn Thành Phong nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 3 vụ/năm với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2ha. Với giá tôm hiện khoảng 180.000 - 190.000 đồng/kg, thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Phong thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ.
 Empty 
Ngành tôm ĐBSCL vượt thách thức về đích. Ảnh: Minh Đảm.

Còn nhiều thách thức

Nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Duy Khoa, chủ một trang trại có trên 10 bể nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh than thở: Năm nay, người dân nuôi tôm gặp khó khăn do dịch bệnh, giá vật tư tăng cao nên không có lời. Người nuôi công nghệ cao và đầu tư lớn thì có lời chút ít do quản lý dịch bệnh tốt hơn, mua thức ăn, con giống rẻ hơn. Bản thân ông Khoa nuôi cũng rải vụ, để tránh rủi ro do biến động giá cả.
Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, thời gian qua, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh gây thiệt hại gần 198 triệu con tôm sú (chiếm 13%), diện tích 688ha và gần 915 triệu con tôm thẻ chân trắng (chiếm 16%), diện tích 1.265ha, tôm chết ở giai đoạn từ 20 - 40 trắng, đỏ thân và phân trắng. Chi cục Thủy sản Trà Vinh nhận định, tỷ lệ tôm chết như thế này tương đương cùng kỳ các năm. Sở NN-PTNT Trà Vinh đang tuyên truyền người dân tạm ngưng thả nuôi tôm nước lợ, tập trung cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi mới 2022 - 2023. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi cách phòng và điều trị bệnh.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng đại diện khu vực tỉnh Tiền Giang - Công ty Thức ăn thủy sản GrowMax cho biết, năm nay, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Hầu hết sản lượng thức ăn cho tôm của các doanh nghiệp đều sụt giảm chút ít. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là giá tôm ổn định và ở mức cao. Các loại tôm kích cỡ lớn từ 30 - 40 con/kg đều được giá. Như hiện nay, giá tôm sú loại 30 con đạt 190.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 30.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ loại 50 con/kg cũng có giá 120.000 đồng/kg.
 Empty 
Bộ trưởngLê Minh Hoan (trái), ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trao đổi với nông dân nuôi tôm tại huyện Ba Tri. Ảnh: Minh Đảm.
Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, trong phát triển thủy sản của huyện cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm. Hiện nay, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Việc tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường của một số cơ sở nuôi chưa cao. Khả năng áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường sinh thái còn hạn chế.
Các mô hình nuôi tôm ứng dụng khoa học công nghệ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tốc độ lan tỏa còn chậm. Tuy nhiên, đòi hỏi vốn đầu tư cao, trình độ quản lý mô hình và kỹ thuật tốt nên mô hình này chỉ phù hợp cho các hộ có điều kiện kinh tế và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Bên cạnh đó, còn mâu thuẫn lợi ích giữa người nuôi thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản chưa được tập trung đầu tư đồng bộ, chưa theo kịp với thực tế sản xuất. Việc phát triển nuôi thủy sản ngoài đê chưa được đưa vào quản lý, các điều kiện nuôi thủy sản chưa đáp ứng.
  
Vấn đề cần được quan tâm nhất là nguồn giống chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc xả thải trực tiếp xuống cống, kênh, rạch làm ô nhiễm nguồn nước và phát tán mầm bệnh vẫn còn xảy ra. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản chưa được quan tâm thực hiện. Các mô hình chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho người nuôi chỉ dừng lại ở các điểm trình diễn, chưa đưa ra được mô hình có hiệu quả để nhân rộng. Nhiều tuyến đường giao thông trong vùng nuôi chưa được đầu tư mở rộng gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, vận chuyển tôm dẫn đến giá bán không cao, lợi nhuận người dân bị sụt giảm.
Minh Đảm - Hữu Đức
Website: thuysananhtuan.com